Quan hệ quốc tế Lực lượng Vũ trang Hàn Quốc

Với Hoa Kỳ

Liên minh quân sự

Liên quân Mỹ – Hàn trong một cuộc tập trận chung

Hoa Kỳ hiện đang duy trì khoảng 28.500 quân nhân ở Hàn Quốc.[62] Yongsan (Seoul) là căn cứ chỉ huy còn trại Humphreys đặt tại tỉnh Gyeonggi là căn cứ quân sự hải ngoại lớn nhất của Mỹ bên ngoài lãnh thổ nước này.[63] Trong tương lai gần, Humphreys sẽ dần tiếp nhận và thay thế vai trò của Yongsan.[64][65] Ngược lại, phía Hàn Quốc cũng thường gửi quân đội ra nước ngoài để hỗ trợ các lực lượng Mỹ. Quân đội Hàn Quốc tham gia vào hầu hết các cuộc xung đột lớn mà Hoa Kỳ khởi xướng trong vòng hơn 73 năm qua kể từ khi thành lập. Trong quá khứ, Hàn Quốc đã điều động hơn 325.000 binh sĩ tham chiến cùng quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.[66] Năm 2004, Hàn Quốc gửi 3.300 binh sĩ tới Iraq để củng cố cho Sư đoàn Zaytun, trở thành quốc gia có đóng góp lớn thứ ba trong lực lượng sau Mỹ và Anh.[67] Nước này ủng hộ, tham chiến và hỗ trợ tất cả các chiến dịch quân sự của Mỹ cùng NATO vào Somalia, Afghanistan, Iraq, LibyaSyria. Từ năm 2001 đến nay, Hàn Quốc đã triển khai hơn 24.000 binh sĩ tới Trung Đông để hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố của các lực lượng quốc tế dẫn đầu bởi Mỹ. Ngoài ra, khoảng 1.800 binh sĩ khác cũng được triển khai từ năm 2007 để củng cố cho lực lượng gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc nhằm chống lại các âm mưu tấn công khủng bố ở Liban.[68]

Chương trình KATUSA và Bộ chỉ huy Không gian

Các quân nhân Hàn Quốc trực thuộc chương trình KATUSA

Khoảng 2.000 quân nhân Hàn Quốc được chọn ra mỗi năm để phục vụ 21 tháng trong chương trình KATUSA - biểu tượng của quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn trên lĩnh vực quân sự. Chương trình này bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 1950 và là di sản của Tổng thống Lý Thừa Vãn cùng Thống tướng MacArthur nhằm mục đích nâng cao quan hệ quốc phòng song phương cũng như tăng cường sức mạnh cho lực lượng liên quân Hoa Kỳ – Hàn Quốc.[69] Đây là chương trình tuyển quân đặc biệt mà Hoa Kỳ chưa từng thiết lập ở bất kỳ quốc gia đồng minh nào khác ngoại trừ Hàn Quốc.[70]

Ngày 14 tháng 12 năm 2022, Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ chính thức thiết lập bộ chỉ huy nước ngoài đầu tiên tại Hàn Quốc. Đơn vị mới được ra mắt ở căn cứ Không quân Osan (Pyeongtaek), cách Seoul 65 km (40 dặm) về phía nam - cũng là nơi đặt căn cứ của Lực lượng Không quân số 7.[71]

Tranh cãi

Mặc dù Hàn Quốc và Mỹ duy trì mối quan hệ đồng minh thân cận trong phần lớn các đời tổng thống, tuy nhiên, dưới thời tổng thống Donald Trump, mối quan hệ này bị rạn nứt do chính phủ hai nước xảy ra nhiều bất đồng xung quanh việc chi trả chi phí hoạt động cho các lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.[72][73] Nhiều cuộc đàm phán song phương cấp cao được tiến hành, một số thỏa thuận đã được thông qua[74][75], tuy nhiên; giữa hai nước vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.[76] Hiện nay, sau thời kỳ cầm quyền của ông Trump, tổng thống kế nhiệm Joe Biden và chính quyền Seoul đã xử lý thành công vấn đề trên với việc Hàn Quốc đồng ý đóng góp 1,03 tỷ USD cho các lực lượng Mỹ đồn trú tại nước này.[77] Bên cạnh đó, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng yêu cầu phía Mỹ tiến hành chuyển giao toàn bộ quyền chỉ huy quân đội thời chiến.[21]

Với Liên Xô/Nga

Kế hoạch đổi vũ khí xóa nợ

Trong lịch sử, vào giai đoạn trước khi Liên Xô sụp đổtan rã, vũ khí chủ yếu mà Hàn Quốc mua từ nước này là súng trường AK-47 (súng trường nội địa K2 của Hàn Quốc được quân đội nước này phát triển dựa trên sự kết hợp giữa M16 của Mỹ và AK của Liên Xô).[78] Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đã cho Liên Xô vay 1,47 tỷ USD cùng lượng hàng hóa trị giá 470 triệu USD. Sau này, Hàn Quốc đề nghị Liên bang Nga (nhà nước kế tục) chia sẻ kho vũ khí tân tiến trong đó có các hệ thống tên lửa chống xe tăng, máy bay; để đổi lấy việc xóa các khoản nợ quá hạn từ thời Liên Xô. Hai bên sau đó đã đi đến thỏa thuận rằng Moskva sẽ chuyển giao các loại vũ khí hiện đại trị giá 214 triệu USD như xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 (phiên bản T-80U), T-72 (phiên bản T-72M1)[79], trực thăng đa nhiệm Kamov Ka-32 Helix-C có khả năng chống ngầm, máy bay huấn luyện IL-103[80], hệ thống tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung S-350 Vityaz (S-350E) trang bị tên lửa đánh chặn các loại 9М96, 48N6 (được sử dụng trên S-400 sau này), tên lửa chống tăng METIS-M[81] hay xe quân sự BMP-3,... cho Hàn Quốc.[82] Kết quả, tổng số xe tăng T-80 đang phục vụ trong quân đội Hàn Quốc hiện nay là 35 chiếc, trong đó có 33 chiếc T-80U được chuyển giao trong giai đoạn 1996-97; cộng thêm 2 biến thể chỉ huy T-80UK vào năm 2005[83] và T-72M1 là 8 chiếc (chuyển giao năm 1990).[79]Quân đội Hàn Quốc cũng là một trong những khách hàng đầu tiên được tiếp cận dòng xe chiến đấu bộ binh tiên tiến BMP-3 của Nga. Tổng số lượng xe BMP-3 đang phục vụ hiện nay là 70 chiếc trong đó bao gồm 33 chiếc được chuyển giao trong giai đoạn 1996-97 và thêm 37 chiếc khác nữa được chuyển giao năm 2005 - cùng đợt với xe tăng T-80.[83] Trực thăng Kamov Ka-32 cũng là một loại vũ khí hiện đại khác được Nga chuyển giao cho Không quân Hàn Quốc, nước này đang có trong biên chế tất cả 29 chiếc với đa dạng các biến thể từ quân sự cho tới dân sự.[84][85]

Ngoài nhận chuyển giao vũ khí, Hàn Quốc còn xoá nợ để đổi lấy nhiều công nghệ quân sự tiên tiến khác của Nga thông qua hình thức hợp tác cùng phát triển. Trường hợp cụ thể là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung KM-SAM (một biến thể của S-350 Vityaz). Trong quá trình phát triển radar cho hệ thống phòng không KM-SAM cũng như trợ giúp cho sự phát triển của hệ thống này, tập đoàn quốc phòng Almaz-Antey của Nga đã phát triển Vityaz dựa trên các cơ sở ý tưởng của đối tác Hàn Quốc.[86][87] Hình thức xóa nợ thông qua chuyển giao công nghệ quân sự được đánh giá là mang lại lợi ích cho Hàn Quốc nhiều hơn so với việc mua sản phẩm hoàn chỉnh.[88] Hiện nay, giữa hai nước vẫn đang duy trì nhiều hợp tác quân sự[89], đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, phát triển tên lửa và công nghệ quốc phòng phục vụ hải quân. Năm 2021, Hải quân Hàn Quốc đã bắn thử thành công tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh có thiết kế tương đối giống với P-800 Yakhont của Nga.[90]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lực lượng Vũ trang Hàn Quốc http://www.globalsecurity.org/military/world/rok/i... http://www.mnd.mil.kr/ http://www.mnd.go.kr/cms.jsp?p_id=01900000000000 http://www.csis.org/media/csis/pubs/060626_asia_ba... https://web.archive.org/web/20070728195739/http://... https://news.joins.com/article/20863567 https://web.archive.org/web/20130410012657/http://... http://www.koreanconfidential.com/northkoreavssout... http://www.globalsecurity.org/military/world/rok/a... https://web.archive.org/web/20161027123332/http://...